Các Bộ trưởng ITU: “Covid-19 kích hoạt bước ngoặt cho kỷ nguyên kỹ thuật số”

Covid-19 là thách thức lớn của thế kỷ, nhưng thách thức lớn đi cùng cơ hội lớn. Hậu quả của dịch bệnh sẽ kích hoạt bước ngoặt cho kỷ nguyên kỹ thuật số. Đó là quan điểm của nhiều Bộ trưởng ICT đến từ các nước thành viên ITU.

Tối 23/10, phiên thứ ba của hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) tiếp tục diễn ra theo phương thức trực tuyến, dưới sự điều hành của ông Mario Maniewicz, Cục trưởng Cục Thông tin vô tuyến ITU.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Hội nghị và Triển lãm Thế giới số – ITU Digital World 2020 do Bộ TT&TT Việt Nam phối hợp cùng ITU tổ chức trực tuyến trên nền tảng “Make in Vietnam” tại địa chỉ https://digitalworld2020.vn.

Lần đầu mang tên gọi mới theo sáng kiến của Việt Nam và cũng là lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, ITU Digital World 2020 diễn ra từ ngày 20 – 23/10 với chủ đề “Xây dựng thế giới số cùng nhau”. Đã có hơn 50 Bộ trưởng, Thứ trưởng tham gia sự kiện quy mô lớn của ICT toàn cầu này.

Thách thức lớn đi cùng cơ hội lớn

Phát biểu mở đầu phiên họp tối 23/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn được nghe ý kiến của các Bộ trưởng và các diễn giả khác về tầm quan trọng của ICT trong và sau đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng ITU và các nước thành viên xây dựng thế giới số. (Ảnh: Trọng Đạt)

“Đại dịch Covid-19 là thách thức lớn của thế kỷ và các chính phủ đang phải tìm cách giải quyết. Nhiều người đã thiệt mạng, kinh tế bị đình trệ. Nhưng mỗi thách thức đều đi liền với cơ hội. Thách thức lớn đi cùng cơ hội lớn. Để đương đầu với đại dịch, chúng ta cần có những nỗ lực mang tính toàn cầu. ICT đã thể hiện vai trò quan trọng giúp các quốc gia đương đầu với đại dịch bằng cách kích hoạt làm việc, học tập từ xa và có vai trò thiết yếu giúp phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội sang trạng thái bình thường mới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề dẫn.

Nhấn mạnh ICT đã trở thành hạ tầng kinh tế, không chỉ đơn thuần là hạ tầng viễn thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam cho biết: “Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia để xây dựng một Việt Nam số, đổi mới sáng tạo hơn, thích nghi tốt hơn, có sức chống chịu tốt hơn và bền vững hơn. Cải cách thể chế, an toàn thông tin và các nền tảng số là những yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam. Việt Nam cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng ITU và các nước thành viên xây dựng thế giới số. Chúng ta sẽ đi cùng nhau vì chúng ta muốn đi xa”.

Cũng theo Bộ trưởng TT&TT Việt Nam, ITU Telecom World nay đã trở thành ITU Digital World sau 50 năm lịch sử. Tên gọi mới, sứ mệnh mới. Bởi viễn thông, CNTT và công nghệ số cần trở thành một ngành công nghiệp thay vì 3 ngành công nghiệp như hiện nay để thúc đẩy chuyển đổi số.

“Thế giới số liên quan đến cải cách thể chế nhiều hơn là công nghệ. Chúng ta khuyến khích mọi người thử nghiệm nhiều hơn. Sandbox là một phương pháp tốt. Dịch chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. Chúng ta còn một chặng đường dài trước mắt phải đi. Và ITU phải dẫn dắt hành trình này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông Zhao Houlin, Tổng thư ký ITU bày tỏ sự tin tưởng những gì học hỏi được từ 3 ngày hội nghị sẽ giúp các quốc gia thành viên ITU xây dựng được tương lai tốt đẹp hơn. (Ảnh: Trọng Đạt)

Đánh giá cao những thông tin mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam cung cấp, ông Zhao Houlin, Tổng thư ký ITU khẳng định: “Trong hai ngày đầu, các Bộ trưởng gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự hợp tác và đổi mới sáng tạo. Đây là ngày thảo luận cuối nhưng là khởi đầu cho một sự cộng tác quan trọng. Sau Covid-19, tôi tin rằng những gì học hỏi được từ 3 ngày hội nghị sẽ giúp chúng ta xây dựng được tương lai tốt đẹp hơn, nơi khu vực công và tư cùng bắt tay nhau và phối hợp với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy sự phát triển của ICT, để mọi người đều được hưởng lợi từ ICT và không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Kích hoạt bước ngoặt cho kỷ nguyên kỹ thuật số

Chia sẻ kinh nghiệm từ Mauritius, ông Deepak Balgobin, Bộ trưởng Công nghệ thông tin, Truyền thông và Sáng tạo thông tin cho hay: “Tại Mauritius, số lượng người mất việc làm không lớn, đó là do nhiều tổ chức lớn ứng dụng CNTT, dựa vào các giải pháp CNTT để tiếp tục hoạt động. Chính phủ Mauritius đã đúng khi nhận thức được số hóa xã hội như một thể thống nhất là nhân tố quan trọng để cung cấp dịch vụ hiệu quả, tối ưu cho người dân. Rõ ràng, chuyển đổi số cùng với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là một trong những cách tối ưu nhất để tiến về phía trước. Covid-19 khiến các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo cách truyền thống phải “mở mắt”. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí mỗi công dân, đều phải xem lại về hoạt động ứng dụng công nghệ”.

Phản ánh thực trạng tại Bangladesh, ông Mustafa Jabbar, Bộ trưởng Bưu chính, Viễn thông và CNTT cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã khiến chúng ta đối mặt với một tình huống chưa từng thấy, và sẽ không tưởng tượng được điều tồi tệ gì sẽ xảy ra nếu không số hóa mọi mặt cuộc sống. Mọi hoạt động của chính phủ và người dân đã được số hóa, từ tài chính đến y tế, giáo dục, kinh doanh… Covid-19 giúp nhận diện được các thách thức mà một trong số đó có thể là sự chênh lệch số hóa. Thực sự, các làng quê không số hóa được bằng thành phố, người dân cũng không sở hữu những thiết bị số như nhau. Chúng ta phải có đường hướng tương lai cho số hóa”.

Dẫn câu chuyện của Zimbabue, ông Gift Machangete, Cục trưởng Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh: Trong đại dịch, Zimbabue đã sử dụng các công nghệ số để bảo đảm sự hoạt động trong chính phủ, thương mại và giáo dục. Công nghệ số đã được sử dụng để truyền phát thông tin, phục vụ các mục tiêu hoạch định chính sách, truy vết tiếp xúc, dự đoán sự phát tán của virus, ảnh hưởng của đại dịch, để ứng dụng những biện pháp giảm thiểu phù hợp, đồng thời cũng dự đoán được khả năng xảy ra các đại dịch tương tự. 

“Đại dịch đã tạo ra nhu cầu lớn hơn về băng thông rộng tốc độ cao và nhu cầu sử dụng Internet đối với băng thông rộng sẽ tiếp tục tăng. Zimbabue đang triển khai các trung tâm thông tin cộng đồng ở những vùng xa xôi, nông thôn để đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận thông tin về Covid-19 một cách chính xác”, ông Gift Machangete bày tỏ.

Ông Yoaz Hendel, Bộ trưởng Truyền thông Israel cũng đánh giá cao vai trò của công nghệ: “Nếu không có công nghệ hiện đại và hạ tầng liên lạc, chúng tôi sẽ không thể đi đúng hướng. Trong khủng hoảng Covid-19, công nghệ đóng vai trò như cầu nối giữa mọi người, giữa các thành phố và các nước khác nhau. Chính phủ Israel cam kết đảm bảo kết nối Internet cho tất cả người dân”.

Với tư cách Bộ trưởng Truyền thông Israel, ông Yoaz Hendel đang thúc đẩy 2 vấn đề lớn đó là cáp quang và mạng 5G. “Vài ngày trước, chúng tôi đã triển khai 3 mạng 5G và bắt đầu kế hoạch thí điểm để đưa 5G đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nhờ có 5G, chúng tôi có thể thực hiện các dịch vụ từ xa theo thời gian thực để cứu sống người bệnh, xe hơi có thể nói chuyện với nhau để tránh được nhiều tai nạn hơn… Người dân sẽ được cung cấp giải pháp hiện đại trong khi đối mặt với khủng hoảng”, ông Yoaz Hendel nói.

Phân tích về những thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bà Lina Rainiene, Phó Cục trưởng Truyền thông Lithuania nêu những con số đáng chú ý: “Là một nước thuộc châu Âu, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhiều hoạt động ở Lithuania ngay lập tức chuyển sang chế độ trực tuyến nhờ tỷ lệ kết nối mạng cao. Những hoạt động thường ngày như gặp gỡ bạn bè, gia đình cũng chuyển lên mạng. Chỉ trong vài ngày, nhu cầu đối với mạng Internet tăng mạnh, có thể đạt mức tăng 70%. Lưu lượng dữ liệu tăng 30%. Ngoài ra, nhu cầu kết nối Internet cũng mở rộng từ trung tâm thành phố sang các khu vực lân cận và nông thôn”.

Thách thức lớn của Lithuania là phải bảo đảm kết nối ổn định cho cộng đồng. Quốc gia này đã xem Covid-19 như một phép thử của mạng di động, sự đàn hồi của mạng lưới. Và thực tế, các nhà mạng đã vượt qua thách thức thông qua nỗ lực tăng năng lực mạng lưới. Cộng đồng ICT đã vượt qua khủng hoảng thành công và xử lý được thách thức riêng. 

Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng cho rằng Covid-19 sẽ kích hoạt bước ngoặt cho kỷ nguyên kỹ thuật số. (Ảnh: Trọng Đạt)


Đại diện cho Việt Nam, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa nêu một quan điểm mới: “Covid-19 sẽ kích hoạt bước ngoặt cho kỷ nguyên kỹ thuật số”.

Thông thường, việc áp dụng công nghệ mới đòi hỏi phải thay đổi thói quen cũng như cách thức thực hiện công việc và điều này có thể diễn ra chậm. Theo quy tắc 21/90 thì thường phải mất 21 ngày để một thứ mới trở thành thói quen và 90 ngày để biến nó thành một sự thay đổi lối sống vĩnh viễn. Nhưng Covid-19 buộc hầu hết mọi người thay đổi nhiều thứ trong hơn 21 ngày, tạo ra thói quen mới để làm việc, học tập và giải trí. Những thói quen như làm việc và học tập ở nhà đang tăng tốc triển khai công nghệ mới.

Để biến thách thức lớn thành cơ hội lớn, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, hướng tới xây dựng “Việt Nam số” với ba trụ cột là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Dưới kim chỉ nam này, nhiều ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số đã được tung ra để đối phó với đại dịch.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong áp dụng Blue Low Energy (Bluetooth năng lượng thấp) trên thiết bị di động để truy tìm số liên lạc. Ứng dụng nguồn mở có tên Bluezone đã đạt 23 triệu lượt tải xuống sau một thời gian ngắn, thông báo gần 2.000 lần tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Mặt khác, để đưa cuộc sống cộng đồng trở lại điều bình thường mới, Chính phủ và các doanh nghiệp đã phát triển hiệu quả các nền tảng làm việc từ xa, giáo dục trực tuyến, y tế từ xa, mua sắm trực tuyến, sự kiện ảo…

“Một thế giới thịnh vượng, an toàn và bền vững là mục tiêu hàng đầu của tất cả mọi người. Và việc sử dụng hợp lý các nền tảng kỹ thuật số sẽ giúp thực hiện mục tiêu đó”, ông Nguyễn Huy Dũng lưu ý.

Nguồn:ictnews.vietnamnet.vn

spot_img

Bài viết mới nhất